
Tại cuộc họp, đồng chí Phạm Văn Tiến, Trưởng Phòng Kinh tế đã thông qua Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025; Kế hoạch phòng, chống úng và khắc phục hậu quả thiên tai gây ra; Thông báo phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự; Phương án hộ đê toàn tuyến trên tuyến đê hữu sông Thái Bình và Báo cáo đề xuất điều chỉnh, bổ sung nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030.
Trên địa bàn xã Đại Sơn hiện có một tuyến đê trực tiếp chống lũ là đê hữu sông Thái Bình. Phía thượng lưu giáp xã Ngọc Sơn cũ (nay là phường Tân Hưng), phía hạ lưu giáp xã Chí Minh. Tuyến đê có chiều dài 8,287 km (trong đó đê cấp I dài 0,637 km, đê cấp II dài 7,650 km). Ngoài việc chống lũ tuyến đê trên địa bàn xã còn chịu tác động của sóng do bão; trên tuyến có 2 cống dưới đê; 7 điếm canh đê và công trình phụ trợ. Toàn tuyến đê trên địa bàn xã được đổ bê tông cứng hóa mặt đê chiều dài 8,287 km đảm bảo cho việc giao thông phục vụ chống lụt, xen kẽ trong tuyến đê gồm một số đoạn đê được đầu tư tu bổ đắp mở rộng mặt đê bằng đất. Riêng đoạn đê cấp I và một phần đoạn đê cấp II dài 2,716 km, hiện nay một số tấm bê tông đang bị hư hỏng nứt vỡ nhiều, nún sụt mặt khi có mưa sẽ bị đọng nước mặt đê. Cần phải được sửa chữa, đầu tư, tu bổ lại. Đối với công tác chống úng, toàn xã hiện có 10 trạm bơm, trong đó Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp quản lý 6 trạm, xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi quản lý 4 trạm. Hệ thống kênh dẫn tưới tiêu ở những tuyến kênh trọng điểm được đầu tư nạo vét và tổ chức vớt bèo khơi thông dòng chảy.
Để chủ động phòng, chống thiên tai năm 2025, Uỷ ban nhân dân xã yêu cầu các phòng, ban, ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai sớm phương án, kiểm tra, rà soát đánh giá chất lượng công trình đê điều, công trình thủy lợi, điểm xung yếu, chủ động tu sửa trước mùa mưa bão. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ.
Uỷ ban nhân dân xã đã thành lập Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; thành lập 7 tổ tuần tra canh gác, bảo vệ đê và Đại đội xung kích ứng cứu phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Đội cắm cừ đào mò.
Cuộc họp cũng dành thời gian xem xét báo cáo điều chỉnh, bổ sung nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn xã đến năm 2030, trong đó đề xuất điều chỉnh, bổ sung nhu cầu sử dụng đất như: đất nông nghiệp, phi nông nghiệp nhằm phù hợp với tình hình thực tế sau khi sáp nhập địa giới hành chính.
Phát biểu kết luận, đồng chí Chủ tịch UBND xã Đào Văn Soái giao nhiệm vụ cụ thể cho Phòng kinh tế tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện kế hoạch, phương án theo hướng sát thực tiễn, đảm bảo tính khả thi khi triển khai. Đồng chí nhấn mạnh: công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, phải được chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.